Thanh Vân Đài

Chương 205




“Với lão thần mà nói, dù chọn ai đến đền Tiển Khâm cúng tế cũng không ảnh hưởng tới đại cục, trọng điểm không phải là ‘theo ngự giá’ mà là ở ‘Tiển Khâm’, huống hồ Chương Hạc Thư cũng có ý giúp đỡ người khác, chỉ là chuyện nhỏ, nên lão thần đã đồng ý.” Lão thái phó nói.

“Không lâu sau khi xây dựng đền Tiển Khâm, tiên đế đổ bệnh. Thái y nói tiên đế vất vả quá độ, khó đi nổi đường xa, nên dù đền Tiển Khâm đã xây xong thì tiên đế cũng không thể lên đường. Vậy là ngài ấy quyết định đổi đền thành đài, đến năm sau tuyển chọn sĩ tử lên đài.

Đổi đền thành đài, sĩ tử cúng tế không còn giới hạn ở phạm vi con em thế tộc nữa, đối với Chương Hạc Thư thì đấy là chuyện tốt, lão thần cũng dựa theo cam kết lúc đầu, cho hắn danh ngạch lên Tiển Khâm Đài.”

Nói đến đây, lão thái phó thở dài: “Lão thần sống ở sơn trang Khánh Minh quá lâu, tháng trước mới biết tin Chiêu vương điện hạ phá được vụ án Khúc Bất Duy mua bán danh ngạch, triều đình nể mặt lão thần nên chưa cho truyền thẩm, nhưng lão thần không thể vì thế mà im lặng được, lão thần xin thú nhận với Quan gia, danh sách lên đài bị bán đi chính là từ tay lão thần mà ra.

Nếu Quan gia muốn trị tội hay lấy mạng lão thần, thậm chí bố cáo thiên hạ về tội danh của lão thần, lão thần cam tâm nhận hết. Lão thần chỉ có một thỉnh cầu, đấy là… Vong Trần…”

Đôi mắt đục ngầu của lão thái phó nhắm lại, giọng ồm ồm, “Có lẽ Vong Trần đã đi hơi xa, nhưng cậu ấy chỉ là một đứa trẻ đáng thương, chưa từng làm điều ác, cái chết của cha anh đã cắm rễ quá sâu trong lòng, khiến cậu ấy không cách nào buông bỏ. Lão thần khẩn cầu Quan gia, nếu muốn phạt thì hãy chỉ phạt một mình lão thần, đừng phạt lây cậu ấy, đừng xóa bỏ đường lui của cậu ấy…”

Triệu Sơ không trả lời thẳng, “Nhưng theo như trẫm nghe được thì việc Khúc Bất Duy buôn bán suất lên đài không liên quan tới thái phó, thái phó bị bọn họ che mắt lừa gạt.”

“Không, Quan gia, lão thần không vô tội đâu, thực ra lão thần biết hết, thậm chí… thậm chí Tiển Khâm Đài sập, cũng có liên quan tới lão thần.”

Lời vừa dứt, điện Tuyên Thất lặng một cách lạ kỳ.

Nhưng không ai có vẻ ngạc nhiên.

Quả thật những lời lão thái phó nói đã nằm ngoài dự liệu của mọi người, như mây tích lâu ngày, gió tuyết rồi sẽ kéo tới, nhân quả chất chồng đến hôm nay, chân tướng đập xuống tạo ra âm vang.

“Chương Hạc Thư nhanh chóng soạn xong danh sách sĩ tử, xin lão thần trình lên tiên đế. Nhưng lão thần còn chưa vào cung thì đã được tiên đế triệu kiến, tiên đế nói, ngài muốn chọn ba mươi người trên bảng hạnh lên đài.

Tiển Khâm Đài là từ đền đổi thành đài, sau khi cải tạo đã có bản thiết kế, kiến ​​trúc đơn giản, dựa theo nghi lễ thờ cúng thì không thể chứa quá nhiều người. Ba mươi người trên bảng hạnh, cộng thêm danh sách Chương Hạc Thư đưa cho lão thần thì số người đã vượt quá dự định. Vì vậy lão thần lại đến tìm Chương Hạc Thư…”

***

Chương Hạc Thư nghĩ ngợi, “Thực ra chuyện này cũng dễ giải quyết, nếu vấn đề nằm ở đài thì chỉ cần xây lại là được.”

***

“Hắn nhanh chóng tìm thợ làm một bản thiết kế mới, sau khi trùng tu, đài cao ba tầng chạm mây, dù cử hành nghi thức cúng bái cao nhất thì cũng có thể chứa được hơn ba trăm người. Lão thần đã trình bản thiết kế mới lên cho tiên đế, tuy tiên đế đồng ý nhưng lại nói, đài hùng vĩ thế này, chỉ sợ thợ bình thường không xây nổi, ngài mới giao nhiệm vụ quan trọng nhất lúc ấy cho Tiểu Chiêu vương, sau đó Tiểu Chiêu vương đã đến núi Thần Dương, mời kiến trúc sư Ôn Thiên rời núi.

Tiển Khâm Đài lúc bấy giờ đã bắt đầu được dựng theo bản thiết  kế mới, nhưng khi Ôn Thiên đến núi Bách Dương, sau khi kiểm tra địa hình xung quanh, nói nếu xây đài trong núi thì không được cao hơn đỉnh núi, bằng không sẽ dễ bị gió lớn thổi quét, còn nói mùa hè ở núi Bách Dương mưa nhiều, chân tháp yếu nên khó xây được đài cao chót vót, thế là lại đổi bản thiết kế của Tiển Khâm Đài lần nữa, nhưng ông ấy vẫn dựa theo yêu cầu của triều đình, đảm bảo có thể chịu tải ít nhất một trăm sáu mươi người cùng lúc.”

Nghe đến đây, Thanh Duy sực nhớ đến chiếc hộp gỗ mà Tiết Trường Hưng từng giao cho nàng, bên trong có bốn bản thiết kế, ngoại trừ một bản của đền Tiển Khâm, ba bản về sau đều là bản sửa chữa.

Khi Thanh Duy gặp lại Tiết Trường Hưng lần nữa, nàng từng hỏi ông bản thiết kế ấy có gì khác thường.

Nhưng Tiết Trường Hưng lắc đầu, nói không có gì khác thường cả, chẳng qua ông làm thợ mộc đã lâu, cảm thấy một tòa tháp không nhất thiết phải sửa đổi nhiều lần đến thế.

Đại Chu không có nhiều người giỏi nghề xây dựng, hơn nữa gần như cung vũ đại điện đều được xây ở nơi khuất gió, địa hình bằng phẳng, rất hiếm khi xây dựng đài cao trên núi như thế này. Mà vợ lẫn em rể của Ôn Thiên đều là người Nhạc thị Bách Dương, cho nên Ôn Thiên hiểu rất rõ về địa hình và khí hậu núi Bách Dương, vì thế, cho dù những người thợ khác không nhận thấy điểm bất hợp lí thì ông vẫn có thể nhìn ra thông qua bản vẽ.

Thanh Duy hỏi: “Thái phó đại nhân, Tiển Khâm Đài sập là vì bị sửa đổi quá nhiều lần?”

Nhưng lão thái phó lắc đầu, ông ôn tồn nói với Thanh Duy, “Tiểu cô nương à, suy cho cùng Tiển Khâm Đài cũng được xây theo bản thiết kế của cha cô, một kiến trúc sư như cha cô làm sao có thể phạm lỗi được?”

Nói đoạn, ông cười khổ, “Nếu vấn đề thật sự nằm ở bản vẽ thì đã tốt…”

“Ôn Thiên đến núi Bách Dương, Tiển Khâm Đài bắt đầu được xây dựng. Mùa xuân năm Chiêu Hóa thứ mười ba, lão thần cũng thống nhất danh sách sĩ tử địa phương với với danh sách của Chương Hạc Thư, dâng lên ngự tiền. Vì phân nửa sĩ tử lên đài xuất thân hàn môn, kiểu gì trên triều cũng có thế gia bất mãn. Chính vì lí do đó, vào thời gian ấy, lão thần liên tục bị các quan viên thế tộc tham tấu công kích. Cũng may tiên đế luôn tin tưởng lão thần, văn sĩ Hàn Lâm cũng ủng hộ lão thần, lại có Chương Hạc Thư bí mật hòa giải nên tình hình mới nhanh chóng lắng xuống, nhưng lão thần vẫn không tránh khỏi bệnh tật.

Người già rồi thì dễ bị bệnh, thái y luôn dặn cần phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, nhưng đến tháng năm năm ấy, xảy ra một sự cố…”

Lúc này, Trương Viễn Tụ khàn giọng hỏi: “Có phải… là ca ca hồi kinh?”

Đó là lần cuối Trương Viễn Tụ gặp mặt Trương Chính Thanh, cho nên y vẫn nhớ rất rõ.

Vốn dĩ Trương Chính Thanh cũng giống Tiểu Chiêu vương, ở núi Bách Dương giám sát việc xây dựng, nhưng khi nghe tin lão thái phó đổ bệnh thì ngày đêm vội vã chạy về kinh. Thế mà vào ngày thứ hai sau khi hồi kinh, hắn và lão thái phó lại cãi nhau to.

“Thằng bé Ức Khâm rất biết tôn sư trọng đạo, luôn tôn kính lão thần, Vong Trần không hiểu vì sao huynh trưởng nó lại cãi nhau với lão thần, lão thần mới nói với nó là Ức Khâm giận ta không biết chăm sóc thân thể, nhưng thật ra không phải, Ức Khâm nó… thấy được một bức thư trong tủ của lão thần.”

“Bức thư này, là của Chương Hạc Thư viết gửi lão thần, lão thần vẫn chưa kịp đốt…”

***

Trương Chính Thanh cầm lá thư, hằm hằm đi vào phòng chính, hắn kìm nén lửa giận, nói với Trương Viễn Tụ đang hầu hạ trước giường, “Tụ đệ, đệ ra ngoài đi, huynh có chuyện muốn nói riêng với thầy.”

Trương Viễn Tụ không chút nghi ngờ, đặt chén thuốc xuống bàn rồi khép cửa lại.

Trương Chính Thanh lập tức ném bức thư xuống đất, “Đây là thứ gì? Thầy thật sự lấy danh sách sĩ tử cúng tế để mà giao dịch?!”

***

“… Ức Khâm chỉ trích đúng lắm, cho dù là vì cứu giúp sĩ tử lưu đày đi chăng nữa thì đó cũng là tư tâm của lão thần, làm sao có thể đem ra giao dịch? Ức Khâm biết được chuyện này, không chỉ thất vọng mà còn rất buồn bã tức giận. Nó nói, tà áo trắng tinh làm sao có thể nhiễm bẩn? Nó còn nói, người xưa đã qua đời…”

“Người xưa đã qua đời, hoài bão của tiền nhân được hậu nhân kế thừa.” Trương Viễn Tụ nhắm mắt, chậm rãi thì thầm.

Đó là những lời cuối cùng mà huynh trưởng nói với y trước khi rời kinh, lời dặn dò mang theo ý quyết tuyệt. Đến nỗi sau khi huynh trưởng đã ra đi, trong bao đêm mất ngủ, những lời này vẫn văng vẳng bên tai y cho đến khi khắc sâu trong tâm trí.

“Người xưa đã qua đời, hoài bão của tiền nhân được hậu nhân kế thừa, Tụ đệ, đệ phải ghi nhớ, Tiển Khâm không lấm bẩn, chí nguyện mãi không đổi. Tiển Khâm Đài sạch sẽ, được xây vì các sĩ tử nhảy sông, không được phép lấm bẩn.”

Lão thái phó nói tiếp: “Ức Khâm ở nhà hai ngày rồi quay về Lăng Xuyên. Lần này nó đi đường rất chậm, đợi khi đến núi Bách Dương thì đã sắp qua tháng bảy…”

***

Từ cuối xuân, mưa bắt đầu rơi trên núi Bách Dương, Ôn Thiên sợ hệ thống thoát nước xảy ra vấn đề, nhiều lần yêu cầu dừng công việc giữa chừng, nhưng sợ trễ kỳ hạn công trình nên cuối cùng chỉ dặn các thợ nhanh chóng đào mương thoát nước.

Vào khoảng tháng bảy, núi Bách Dương có mưa lớn nhiều ngày liên tiếp, Ôn Thiên càng lúc càng lo lắng.

Trên thực tế, vị trí của Tiển Khâm Đài rất không thuận lợi, được xây dựng trên sườn núi, đón gió ngay chính diện, để tránh xảy ra tai nạn trong quá trình xây dựng, Ôn Thiên đã cho người đóng một chiếc cọc gỗ khổng lồ để đỡ đài, nói rằng bao giờ dần hoàn thành công trình thì sẽ tháo dỡ cọc gỗ này.

Đầu tháng bảy, Tiển Khâm Đài sắp sửa hoàn công, nhưng Ôn Thiên thấy mưa lớn xối xả, quyết định chờ đến sáng mồng chín tháng bảy sẽ tháo cọc gỗ, sau đó dặn thợ mộc đào mương thoát nước ngày đêm không nghỉ.

***

“Đáng tiếc mùa hè năm đó mưa không ngớt, đến ngày mồng sáu tháng bảy, mưa càng lúc càng lớn, lúc bấy giờ tất cả thư sinh lên đài đều đã đến Sùng Dương, Chiêu vương điện hạ bận rộn sắp xếp nghi lễ trên đài nên phải xuống núi hai ngày, trong nú Bách Dương chỉ có Ức Khâm ngày đêm đi theo Ôn Thiên. Trong hai ngày đó, Ôn Thiên gần như chỉ bù đầu vào một chuyện, đó là kiểm tra tình trạng thoát nước của kênh mương…”

“Thái phó đại nhân.” Đúng lúc này, Đường chủ sự ở bộ Hình ngắt lời hỏi, “Thứ cho hạ quan nói thẳng, vì sao ngài biết rõ chuyện về Tiển Khâm Đài như thế?”

Đúng vậy, Tiểu Chiêu vương không ở trong núi, Ôn Thiên và Trương Chính Thanh cũng đã qua đời, những người thợ đào kênh mương tuy không bị trừng phạt nhưng cũng không tiếp xúc với lão thái phó, làm sao lão thái phó biết được những chuyện này?

Song, ông chỉ cười khổ bảo, “… Cứ nghe lão phu kể hết đã.”

***

Mồng tám tháng bảy, mưa lớn trên núi Bách Dương chẳng dừng, Trương Chính Thanh thấy Ôn Thiên rầu rĩ thì hỏi: “Giám sát Ôn, có phải có chuyện không ổn không?”

Ôn Thiên chần chừ, cuối cùng vẫn tâm sự, “Chỉ sợ phải dời ngày lên đài cúng tế rồi.”

“Dời ngày?” Trương Chính Thanh nghe thế thì sửng sốt, nhưng trong mắt chẳng có lấy một mối lo, “Dám hỏi giám sát, vì sao cần phải dời ngày? Có phải do trận mưa này không?”

Ôn Thiên gật đầu: “Mưa kéo dài, thoát lũ khó quá, nếu không khơi thông thì kênh mương sẽ bị bồi lắng, phù sa quá dày, nước mưa thoát không kịp, rất dễ chảy ngược về đài. Dù hôm nay đã xây xong thì sau này vẫn cần phải củng cố nhiều lần, không thì đài sập mất, thế thì chi bằng dời ngày sĩ tử lên đài, đợi mưa tạnh rồi tính tiếp.”

“Việc này…” Trương Chính Thanh hỏi, “Có cần xin phép Chiêu vương điện hạ không?”

Ôn Thiên gật đầu, “Cậu xuống núi báo cho điện hạ biết một tiếng, đợi ta kiểm tra xong kênh mương rồi quyết định tiếp vẫn chưa muộn.”

***

Lão thái phó nhìn Tạ Dung Dữ: “Ngày hôm đó điện hạ không hề gặp Ức Khâm ở dưới núi đúng không?”

Tạ Dung Dữ im lặng không đáp.

Ngày mồng tám tháng bảy năm Chiêu Hóa thứ mười ba, đúng là y không hề gặp Trương Chính Thanh, đến tận đêm khuya y đội mưa về núi, thậm chí cũng không thấy Ôn Thiên đâu.

Không một ai báo cho y biết cần phải dời ngày lên đài.

“Bởi vì… Ức Khâm cho rằng, điện hạ ngài sẽ không đồng ý.” Lão thái phó nói.

Tiểu Chiêu vương là vương cơ mà, y gần như là người cao quý nhất ở thế hệ bọn họ, tới mức tiên đế dạy dỗ y còn nghiêm hơn cả Gia Ninh đế, huống hồ bấy giờ y vẫn còn nhỏ tuổi, trải đời chưa nhiều, mà lên đài cúng tế là ngày quan trọng, nên cho rằng y không dời ngày cũng là điều hợp lý.

Quan trọng hơn hết, trong lòng Trương Chính Thanh lúc ấy có một bí mật không muốn ai biết…

***

Trương Chính Thanh không đi tìm Tạ Dung Dữ, y ngồi trên một tảng đá bên đường, mưa như trút nước từ trên trời rơi xuống, ý tưởng điên rồ trong lòng ngày một lớn dần, hòa vào màn mưa.

Danh sách sĩ tử lên đài bị lão thái phó dùng để giao dịch.

Các sĩ tử bước lên đài không chỉ để tưởng nhớ sĩ tử nhảy sông Thương Lãng nữa rồi.

Tiển Khâm Đài đã không còn sạch sẽ.

Nếu đã vậy, bọn họ có tư cách gì bước lên đài vào ngày mồng chín tháng bảy?

Mồng chín tháng bảy là ngày giỗ phụ thân hắn cùng bậc tiên liệt nhảy sông.

Trương Chính Thanh nghĩ, nếu có thể dời ba ngày, không, dù chỉ dời một ngày, chỉ cần dời khỏi ngày mồng chín tháng bảy rồi để sĩ tử lên đài tế lễ, thì vạt áo trắng được nước sông Thương Lãng gột rửa sẽ không lấm bẩn.

Trương Chính Thanh sợ rằng nếu Tiểu Chiêu vương biết cần dời ngày lên đài, không những không phê duyệt mà sẽ cùng Ôn Thiên tìm cách giải quyết, thậm chí tìm thấy một điểm kênh mới, cử thêm nhân lực để đào kênh, nên hắn mới không xuống núi tìm Tạ Dung Dữ.

Hắn nhất định phải tìm biện pháp làm cho mọi thứ trở nên cấp bách, để ngày lên đài nhất định phải hoãn lại, để Tiểu Chiêu vương không có thời gian nghĩ cách đối phó.

Trương Chính Thanh đi vòng đến một điểm thoát nước ở phía sau núi, nói với các công nhân đang đào kênh, “Chư vị vất vả rồi, quay về nghỉ ngơi thôi.”

Trong màn mưa, đội trưởng công nhân xoay mặt sang hỏi: “Giám sát Ôn bảo thế à?”

Trương Chính Thanh chỉ cười không đáp, “Sáng mai sĩ tử lên đài rồi, đào kênh mương cũng đâu thể xong ngay trong đêm nay, chư vị về đi, kẻo sáng mai đại quan triều đình và các sĩ tử lên núi, tưởng rằng Tiển Khâm Đài vẫn còn chưa xây xong.”

Các công nhân không lấy làm nghi ngờ, nhanh chóng thu dọn đồ đạc ra về.

Vào nửa đêm khi rất nhiều người đã chìm trong giấc ngủ, Trương Chính Thanh một mình cầm ô đứng dưới mưa, dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn gió, hắn nhìn nước kênh chảy xuôi như dòng sông nhỏ trước mặt, phù sa nhanh chóng tích tụ dưới đáy kênh, dòng nước bị chặn, từ từ hóa thành bãi nước đọng.

Trương Chính Thanh nghĩ, nếu như vậy, hẳn là ngày lên đài có thể sẽ được dời lại.

Giờ Tý đêm hôm ấy, Ôn Thiên không chờ Tạ Dung Dữ kịp, tự mình kiểm tra các kênh mương trong núi, khi đến lưng núi, ông thất sắc khi thấy vũng nước tích tụ và phù sa chắn ngang dòng nước.

Ôn Thiên cuống lên, lập tức đi tìm Huyền Ưng vệ ở gần đấy, yêu cầu hoãn ngày lên đài, kiểm tra tất cả các con kênh xem có tình trạng nước chảy ngược về tòa tháp hay không.

***

“Tiếc thay,” Lão thái phó bật cười, “Huyền Ưng vệ mà Ôn Thiên tìm lại là Đô Điểm Kiểm của Huyền Ưng Ti.”

Khi ấy triều thần sĩ tử đã tề tựu tại huyện Sùng Hương, lão Chỉ huy sứ của Huyền Ưng Ti và Tiểu Chiêu vương xuống núi, việc tuần tra trong núi giao lại cho Đô Điểm Kiểm.

Đô Điểm Kiểm cũng làm hết bổn phận, chỉ có một điểm không ổn, hắn chính là tai mắt liên lạc của Khúc Bất Duy và Chương Hạc Thư ở Lăng Xuyên.

Sĩ tử lên đài mang ý nghĩa to lớn, đối với Ôn Thiên, cúng tế sớm hay muộn một ngày không có gì khác nhau, nhưng đối với các sĩ tử mà nói lại cách biệt một trời một vực, khó khăn lắm mới được tuyển chọn, lên đài vào ngày giỗ mồng chín tháng bảy ắt sẽ nở mày nở mặt, nhưng nếu đẩy sang mồng mười, tất sẽ bị người ta đem ra bàn tán, xuất thân cũng không “chính thống”.

Mà đối với các sĩ tử muốn bước lên trời mà nói, quan trọng nhất chính là “xuất thân” này.

Đô Điểm Kiểm biết được sự khác biệt ấy, do đó khi biết Ôn Thiên muốn dời ngày cúng tế, hắn chỉ hỏi một câu, “Nếu đợi đến sáng lên đài thì liệu đài có sập không?”

“Cũng chưa chắc, nhưng nếu nền móng yếu, cho dù xây xong thì sau này cũng cần gia cố lại, xin Điểm Kiểm đại nhân mau chóng tăng cường nhân lực đào mương, cũng báo cho Chiêu…”

Nhưng chưa đợi Ôn Thiên nói hết, Đô Điểm Kiểm đã đưa mắt nhìn ra sau, hai Huyền Ưng vệ lập tức bước tới kéo Ôn Thiên đi.

Đô Điểm Kiểm giam lỏng Ôn Thiên sau núi, nói rằng đợi xong lễ tế trên đài thì sẽ thả ông ra.

Song, đêm hôm ấy đã được định trước sẽ không yên bình, lại có một thư sinh khác lên núi, nói rằng muốn gặp Ôn Thiên và Tiểu Chiêu vương.

Thư sinh này chính là Từ Thuật Bạch, người về sau đã chết trên đường lên kinh.

Đô Điểm Kiểm lấy cớ qua loa: “Giám sát Ôn và điện hạ đang kiểm tra kênh mương, nếu có việc thì ngươi cứ viết thư đi, đợi giám sát Ôn về, ta nhất định sẽ thay mặt chuyển giao.”

Lúc đó lão chưởng sứ bộ Chuẩn và các Hiệu úy của Huyền Ưng Ti đều có mặt, bao gồm Vệ Quyết và Chương Lộc Chi, nhận được thư cũng không mở ra xem mà gọi một thân tín tới, để người này giao thư cho Ôn Thiên.

Thật ra chính Đô Điểm Kiểm cũng không mong Tiển Khâm Đài gặp chuyện, nhưng hắn không dám để người khác biết mình đã giam lỏng Ôn Thiên, cho tới khi lão Chưởng sứ và các Hiệu úy rời đi, hắn mới vội vàng làm theo lời Ôn Thiên, dẫn người ra sau núi đào kênh mương.

***

Sáng sớm ngày mồng chín tháng bảy năm Chiêu Hóa thứ mười ba, mưa to như thác đổ.

Trời vừa hửng sáng, Tạ Dung Dữ đã có mặt dưới Tiển Khâm Đài, đến giờ Dần y mới quay về núi, gần như mất ngủ cả đêm, nhưng y đứng đợi trong mưa đã lâu, sĩ tử lên đài cùng đông đảo quan viên đã tới mà vẫn chẳng thấy bóng dáng Ôn Thiên đâu.

“Không tìm thấy giám sát Ôn đâu, phải làm gì bây giờ?” Có người che ô đứng cạnh y hỏi.

Mưa quá lớn, đài cao như biến mất sau màn mưa, Tạ Dung Dữ ngước mắt nhìn Tiển Khâm Đài, “Cho người tiếp tục tìm kiếm, Tiển Khâm Đài do Ôn tiên sinh xây nên, không có ông ấy, lễ tế sẽ…”

Lễ tế sẽ tạm hoãn ư?

Tạ Dung Dữ dừng lại.

Không có đầy đủ lí do thì làm sao hoãn được buổi lễ trọng đại này đây?

Chỉ huy sứ của Huyền Ưng Ti nhận lệnh, điều động tất cả nhân lực có thể sử dụng để tìm kiếm Ôn Thiên, lão Chưởng sứ bộ Chuẩn dẫn Vệ Quyết cùng Chương Lộc Chi ra sau núi tìm.

Bấy giờ đã quá giờ Mão, sĩ tử lên đài được ấn định vào giờ Mão canh ba, trước đó còn cần tháo gỡ cây cột gỗ chống đài.

Đường núi phía sau hiểm trở, trong rừng rậm giữa tiếng mưa xối xả, cuối cùng lão Chưởng sứ cùng hội Vệ Quyết cũng nghe thấy tiếng kêu cứu của Ôn Thiên.

Ông bị giam trong một căn nhà hoang giữa rừng.

Đầu ngón tay ông bê bết máu, cả cánh tay bầm tím sưng vù, có vẻ như ông đã dùng sức muốn tự mình phá cửa.

Có một lá thư nằm dưới đất.

Chính là thư của Từ Thuật Bạch, trong thư nói những cây cột chính chống đỡ đền Tiển Khâm đã bị thúc phụ Từ Đồ của y tráo đổi, y không biết ai đã xúi giục thục phụ làm chuyện đó, nói với Ôn Thiên là bởi vì không biết những cây cột ấy có ảnh hưởng gì đến Tiển Khâm Đài không.

Từ Thuật Bạch không hiểu rõ chuyện xây dựng, càng không biết Tiển Khâm Đài được xây nên từ đền.

Sao có thể không ảnh hưởng được?

Những cây cột chính đó là giá đỡ căn bản của Tiển Khâm Đài.

Lúc lão Chưởng sứ và mấy người Vệ Quyết tìm được Ôn Thiên, thấy mặt ông tái mét không sắc máu, thậm chí ông còn không kịp giải thích, chỉ run run nói: “Không được lên, không được lên… sẽ sập mất….” Rồi lao vọt về núi Bách Dương.

Nhiều năm sau khi hồi tưởng lại, thật ra chẳng ai muốn Tiển Khâm Đài sập cả.

Mọi người đều cầu chúc cho nó, hi vọng nó có thể đứng sững trên núi Bách Dương, vĩnh trú thế gian.

Chẳng qua con người ai cũng có sự ích kỷ của riêng mình, rồi vì sự ích kỷ đó là bước thêm một bước, hoặc vài bước.

Để lập công và muốn kiếm bạc, Hà Hồng Vân đã tráo đổi cột gỗ xây đền Tiển Khâm.

Sau khi Chiêu Hóa đế biết mình không thể đến đền Tiển Khâm cúng tế, ngài đã đổi đền thành đài, dùng lễ tế trọng đại kỷ niệm chiến công của mình.

Lão thái phó mến mộ tài năng, để cứu sĩ tử bị lưu đày, ông đã dùng danh sách Tiển Khâm Đài giao dịch với Chương Hạc Thư.

Và để các sĩ tử mình nhắm trúng được lên đài, Chương Hạc Thư đã cùng lão thái phó nghĩ cách đổi bản vẽ.

Trương Chính Thanh hi vọng dời lễ tế lùi một ngày, muốn Tiển Khâm Đài được sạch sẽ, đuổi công nhân đào kênh quay về.

Còn Đô Điểm Kiểm, vì để lễ tế được diễn ra đúng kì hạn mà giam lỏng Ôn Thiên môt đêm.

Tiếc thay tất cả đều đã quên, Tiển Khâm Đài chỉ là Tiển Khâm Đài.

Ngày qua ngày, mưa lớn xối xả không ngớt như sự trừng phạt của trời cao vẫn không khiến mọi người nhận ra rằng, bên trên tòa tháp ấy chỉ có sương mù không tan, nào có mây xanh.

Nguyên liệu của đền Tiển Khâm bị tráo đổi, Chương Hạc Thư muốn sĩ tử nhà nghèo được lên đài mà sửa đổi bản vẽ, dù Ôn Thiên đã sửa lại lần nữa thì vẫn không phù hợp với trụ chống bên dưới. Cho dù vậy, Tiển Khâm Đài cũng không đến nỗi sẽ sập ngay tức khắc, nhưng mưa lớn mấy ngày liền khiến cọc gỗ cắm xuống đất mục nát, tuy Ôn Thiên đã cho người dốc sức đào kênh thoát nước, nhưng Trương Chính Thanh đã đuổi công nhân về để dời lễ tế; tuy sau khi Đô Điểm Kiểm giam giữ Ôn Thiên đã đích thân dẫn người đào mương, nhưng ông ta đã quên kiểm tra có nước chảy ngược về tòa tháp hay không.

Lũ kênh tụ dưới đất, con đường xuống núi bị phù sa chặn lại đã lặng lẽ chảy ngược về tòa tháp. Trụ chống lẽ ra còn lâu mới mục nát đã bị ngấm mưa mục ruỗng, lại còn bị hư hại do tòa tháp xây sai, lũ ngầm không thoát được đã trở thành tác động cuối cùng, khiến Tiển Khâm Đài biến thành bèo mất rễ, chỉ được chống đỡ bởi một cây cột gỗ sắp sửa bị tháo dỡ.

Gần đến giờ Mão canh ba, mưa vẫn không có dấu hiệu ngừng rơi.

Tạ Dung Dữ che ô đứng trong mưa, bên cạnh có người hỏi:

“Có cần tháo không?”

“Vẫn chưa tìm được Ôn Thiên, mong điện hạ ra lệnh, có cần tháo không?”

“Đã định là hôm nay rồi, không thể không tháo, tháo đi!”

Mưa ào ào trút xuống che khuất mọi thứ trước mặt y, thậm chí che lấp cả mặt trời. Tạ Dung Dữ không thấy được bên kia ngọn núi, vị kiến trúc sư đang lao về phía mình như điên, chạy về phía tòa tháp sắp sửa sập, dẫu cho ông không thể dùng máu thịt cơ thể để ngăn đài cao nghiêng ngả.

Cơn mưa nặng hạt át hết mọi âm thanh.

Tạ Dung Dữ ngẩng đầu lên, trong mưa, y hoàn toàn không thấy được Tiển Khâm Đài.

Trước khoảnh khắc trời đất tối sầm, y khẽ nói: “Tháo đi.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.