Hoa Trong Gió Mây

Chương 15




Người hướng dẫn tuyên bố hết thời gian, và các giám khảo bắt đầu đi chấm tranh. Tôi ngồi bệt xuống đường. Trời Sài Gòn bắt đầu nổi lên những đám mây đen u ám. Trời tháng 11 sẽ mưa à?

Bọn họ bắt đầu di chuyển vào tòa nhà bên cạnh, bức tranh đề tên Hạ Quyên của tôi xếp gọn vào một góc và những người giám khảo bắt đầu chấm tranh. 

Ba người giám khảo di chuyển đến chổ tôi trong khi họ vẫn đang tranh luận với nhau về tính xã hội của một họa sĩ nào đó mà tôi cũng không nhớ rõ. David nhìn thấy tôi thì hơi khựng lại. Sau đó ông lại xem xét bức tranh của tôi. Bức họa này ông đã từng lướt qua một lần rồi.

- Cô là Hạ Quyên?

- Đúng vậy!

- Bức tranh này mang ý nghĩa gì vậy?

- Đó là tôi. – Tôi trả lời nhàn nhạt, người đang ghi chép khựng lại mấy giây, sau đó lại đặt cho tôi một câu hỏi:

- Là thế nào, cô có thể giải thích rõ ràng hơn không?

- Bức họa có tên là “Hoa Trong Gió Mây”, cho dù đóa hoa đó có rực rỡ thế nào đi chăng nữa thì nó cũng sẽ bị vùi dập mà thôi.

Họ ghi chép mấy thứ rồi bỏ đi. Riêng David thì vẫn đứng đấy. Lần này, ông hỏi tôi bằng một câu hỏi tiếng Anh khá là rõ ràng:

- Tôi nghĩ là cô đã làm tốt hơn.

- Ý ông là gì?

- Bức tranh của cô, nó đã có thần hơn.

- Có lẽ… Cám ơn ông, David.

- Nếu cô còn hy vọng, chúng ta sẽ có một cơ hội nữa.

David nói với tôi như thế. Ông ấy đưa cho tôi một cái bút chì khoảng ngón tay và rồi bỏ đi. Tôi nghĩ, tôi cũng nên cho mình một cơ hội ở bên trời Tây ấy.

Hôm ấy kết thúc trong cơn mưa tầm tã. Giải thưởng thuộc về một sinh viên kiến trúc xuất sắc của một trường đại học có tiếng nào đó tôi cũng chẳng nhớ. Còn bức tranh của tôi được David mua lại với giá không tồi. Tất cả số tiền ấy được chuyển hết cho nạn nhân của chất độc màu da cam. Tâm trạng tôi có vẻ khá hơn khi David nói rằng tuần sau ông ấy sẽ trở về Ý. Có lẽ đã đến lúc tôi phải đi rồi.

Vào những buổi chiều, con hẻm nơi tôi sống tạm có một chút trong xanh. Khi nắng bắt đầu nhạt, tôi thường ngẩn mặt lên bầu trời để ngắm những vần mây bay lãng đãng. Qua khung cửa chật hẹp, bầu trời ngoài kia càng thêm bao la. Tôi vóc một ít nước trước nền xi măng cho bớt nóng. Sài Gòn đã giữa tháng 11, tiết trời vẫn nóng như lửa đổ. Sài Gòn không được mấy khi trong lành. Khi đêm tối bắt đầu chập choạng lên, thành phố bắt đầu lên đèn bên ngoài ô cửa nhỏ kia. Tôi mang mấy bức tranh vừa vẽ xong treo lên góc nhà. Lúc quay lại để xếp bút vẽ, màu nước thì nhận ra màu đã gần hết. Có lẽ hôm sau tôi sẽ có một chuyến đi dạo để mua một ít đồ.

Lãm lại đến tìm tôi trong khi tôi đang loay hoay rửa mấy cái bảng pha màu. Lãm mang theo bé con đến cùng một ít đồ ăn.

- Đến muộn vậy?

- Hôm nay kẹt xe quá.

Khi anh đang bày thức ăn trên bàn, bé con ôm lấy chân tôi líu ríu kể mấy câu chuyện vui ở trường của con bé. Còn tôi thì chăm chú rửa nốt mấy vệt màu khô bám trên cái bảng trắng. Bên ngoài, trời đổ cơn mưa rào. Thời tiết nơi này thất thường giống như tâm tình của những cô gái vậy.

- Có lẽ tôi sẽ đi Ý.

- Ừ.

Anh đang ăn và không tỏ vẻ bất ngờ khi tôi nói với anh điều ấy. Có khi nó sẽ làm cho tôi thấy ngượng ngùng hơn là việc anh tỏ thái độ giận dỗi như mọi khi. Tôi bỏ chén cơm xuống bàn, sau đó đi lên gác. Tôi lấy cho Thành Lãm một bức tranh. Đó là bức họa vẽ những người phụ nữ bản địa ở Tanzania mà tôi đã từng chụp. Tôi vẽ nó cách đây ít ngày. Tôi đưa cho anh vì tôi nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu đây là món quà đền đáp cho những gì anh đã giúp đỡ tôi. Thành Lãm quả thật là người ơn của tôi.

- Tặng cho tôi hả, cám ơn Quyên.

- Không, là tôi nên cám ơn anh.

Chúng tôi lại tiếp tục im lặng. Vào lúc ấy, mỗi người đã chìm vào thế giới riêng. Tôi đang nghĩ không biết là Lãm sẽ cảm thấy như thế nào. Nhưng tôi thấy anh vẫn đang ăn và trò chuyện với bé con bình thường, có lẽ như thế cũng rất tốt. Ít ra tôi sẽ không cảm thấy áy náy nhiều như lúc đưa ra quyết định này. Tình cảm thật phức tạp, ngay cả tôi cũng phức tạp.

- Uống một chút trà không? – Tôi cất mấy cái chén vừa lau khô lên kệ, xoay người lại hỏi Lãm. Anh đang lật mấy tờ báo cũ để xem và trả lời tôi bằng một chữ “Ừ”.

Bên ngoài vẫn còn mưa, tiết trời đã trở nên lạnh hẳn. Tôi nghe thấy mấy tiếng rào rào cứ vang lên rồi lại lắng xuống, mấy giọt nước lăn trên ô cửa kính làm cho thành phố nhòe đi trong chốc lát. Nhưng thành phố vẫn rực rỡ trong ánh đèn đêm.

- Quyên sẽ về chứ?

- Sao?

- Cô đi rồi sẽ trở lại đúng không?

Tôi cho là vậy, nhưng kỳ lạ thay, tôi không thể trả lời được câu hỏi của Lãm. Tình cảm đúng là một sự ràng buộc đáng sợ.

- Có lẽ, mà cũng không.

Tôi chẳng còn gì cả. Ngay cả những kỷ niệm của ba cũng đã bị thiêu rụi trong ngọn lửa đêm hôm đó. Tôi muốn có một cái cớ để trở về nơi này, nhưng nó không thuộc về tôi. Nếu như có thể đi, tôi có thể sống lại thêm một lần nữa, bắt đầu là một con người mới.

Ngày 28-11, trời đã trở đông. Tiết trời ở thành phố đã bắt đầu cơn lạnh. Gió buốt và những chiếc lá úa vàng. Cái ánh nắng loe lói cuối con hẻm đợi và cả tiếng vọng từ những chiếc loa cũ của người bán bánh mì vào mỗi sáng sớm. Đó là những âm thanh mà tôi còn có thể nhớ được. Hôm nay, Lãm và bé con đưa tôi sang Ý.

- Tôi sẽ đến thăm Quyên vào một hôm nào đó.

- Sau khi qua đó, tôi sẽ liên lạc với anh.

- Tạm biệt cô. – Bé con rầu rĩ đưa cho tôi một túi kẹo.

- Cô có gọi cho mẹ cô không.

- Ừ!

Tôi tạm biệt Lãm, tôi đã không gọi cho mẹ. Tôi không biết cuộc sống của mẹ như thế nào sau lần gặp ở tòa án nữa. Có lẽ tôi không nên làm phiền cuộc sống của bà thêm lần nào nữa. Có vẻ như khi không có sự tồn tại của tôi thì mẹ sẽ tốt hơn rất nhiều.

Tôi thuê một căn hộ nhỏ gần nơi làm việc của thầy David. Mỗi ngày, tôi sẽ dành 2 giờ đồng hồ đến phòng tranh của thầy để học vẽ tranh. Thời gian còn lại, tôi đến làm ở một nhà hàng mà Anna đã giới thiệu cho tôi. Mấy ngày trước, tôi có nói với Anna rằng David đã đồng ý để tôi theo thầy sang Ý học tập. Nhưng bởi vì tôi không thông qua cuộc thi tuyển chọn cho nên không đủ điều kiện vào những lớp học chuyên nghiệp ở trường của thầy. Điều đó cũng không sao cả, ít ra tôi có thể theo đuổi ước mơ của mình. Anna đã giới thiệu một công việc cho tôi trong một tình huống như thế, chị khiến cho tôi cảm động vô cùng. Tôi chợt nghĩ, cuộc sống của tôi đâu đến mức tồi tàn như thế kia chứ.

Tôi phụ việc ở phòng tranh vào buổi sáng, lúc tối tôi sẽ đến nhà hàng để làm công việc phục vụ. Vào những lúc buổi chiều tàn, đó là khi tôi dư giả thời gian, tôi sẽ ôm giá vẽ đi dạo một vòng thành phố.

Nơi này xa lạ và xinh đẹp biết bao. Rome cổ kính và xinh đẹp lưu lại trong đáy mắt hạn hẹp của tôi. Vẻ đẹp trang trọng và cổ kính của thủ đô khiến cho trái tim tôi xôn xao những nhịp đập thầm lặng. Tôi vẽ Rome trong những khối kiến trúc xinh đẹp, những vòm mái tròn lặng lẽ dựng hai bên con kênh xanh thẳm như ngọc. Trên kia trời cao là vầng mây trong xanh và dịu êm. Ôi thật xao xuyến biết bao.

Có một ngày, thầy trở về từ lớp dạy của mình trong khi tôi đang xếp mấy bức tranh của thầy lên kệ. Trong thầy có vẻ buồn rầu. Thấy như thế, tôi liền hỏi thầy:

- David, thầy sao thế?

- Hạ này, tôi không chắc là tôi đã làm đúng hay sai nữa.- David gọi tôi bằng Hạ khi thầy thuyết phục tôi tìm cho mình một cái tên tiếng Anh nhưng tôi kiên quyết từ chối.

- Sao, là việc gì mới được? – Tôi ngạc nhiên trước lời nói của David, hẳn là thầy đang tự trách vì một việc gì đó.

- Cô nhớ cô gái đã cùng tôi đến gặp cô lần đầu tiên hay không?

- Có, sau đó thì sao?

- Cô ấy là Lisa – là học trò mà tôi tâm huyết nhất. Bây giờ Lisa khá nổi tiếng… và cô biết đấy, Lisa chẳng còn tôn trọng lời nói của tôi nữa. Ý tôi là…Lisa đang cố làm những điều mà tôi căm ghét.

- Thưa thầy, sự thật thì tôi chẳng biết chuyện gì đang diễn ra giữa thầy và cô ấy. Nhưng David, họ có cuộc sống của họ, và ông không thể ràng buộc họ theo suy nghĩ của ông.

- Hạ, tôi cho rằng mình không ràng buộc. Lisa đang đạo ý tưởng của người khác, và điều đó thật sự sỉ nhục đối với một họa sĩ.

- Thầy! Người phương Đông chúng tôi rất tin vào nhân quả và tôi tin nếu cô ấy thật sự tồi tệ như vậy cô ấy sẽ nhận quả báo thôi.

- Tôi cho là vậy, Hạ. Có lẽ tôi nên chấm dứt những rối ren này.

David rầu rĩ, thầy đưa cho tôi một mẫu giấy. Trên đó là đề bài tập hôm nay của tôi. Thầy yêu cầu tôi vẽ tà áo dài của Việt Nam


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.