Họa Quốc

Quyển 1 – Chương 9




Chính vào lúc đó, một người cưỡi ngựa từ ngoài điện phi như bay vào, đến trước mặt họ, nhảy xuống ngựa, quỳ gối thưa rằng: “Hầu gia, có chuyện rồi!”. Ðó là một đại hán áo xám chạc độ tứ tuần, mày rậm mắt to, tướng tá thô ráp, duy chỉ có đôi mắt là sáng rỡ có thần, trên mắt trái còn xăm một con rồng nhỏ ba móng màu đỏ.

Cơ Anh nhíu mày: “Chuyện gì?”.

Ðại hán liếc Khương Trầm Ngư mấy cái, tuy có do dự nhưng rồi vẫn nói ra: “Phan Phương đơn thương độc mã chạy đến Tiết phủ làm loạn rồi”.

“Tại sao?”.

“Nghe nói... nghe nói hôn thê của hắn đến Tiết phủ kể chuyện, bị Tiết Túc... vấy bẩn rồi”.

Cái gì? Khương Trầm Ngư trợn tròn mắt, Phan Phương? Ðó chẳng phải là Phan Phương vừa gặp hôm đó sao? Hôn thê của hắn chẳng phải là Tần nương sao? Trời ơi... trời ơi...

Trong mắt Cơ Anh thoáng một tia giận dữ: “Ta lập tức đến Tiết phủ”. Chàng quay sang nhìn nàng, lại bổ sung thêm: “Chu Long, ngươi đưa Khương tiểu thư về hữu tướng phủ”.

Không đợi nàng phản ứng, chàng đã phất trường bào, nhảy phắt lên lưng con ngựa đại hán cưỡi đến, tuấn mã tung vó hí vang một tiếng, phóng đi như bay.

Ðại hán tên Chu Long quay sang nàng chắp tay, cung kính nói: “Khương tiểu thư, mời”.

Khương Trầm Ngư tuy rằng lo lắng, nhưng cũng chẳng còn cách khác, đành cùng hắn về phủ trước. Về đến phủ, gia nhân thấy nàng ai nấy sắc mặt lạ lùng, dáng vẻ lo lắng kinh sợ.

Nàng đã bị một chuỗi sự việc phát sinh ngày hôm nay làm cho thấp thỏm bất an, lại nhìn thấy thái độ của gia nhân như thế, không kìm được giận dữ, gắt lên: “Rốt cuộc xảy ra chuyện gì? Ác Du, nói mau!”.

Ác Du run rẩy đáp: “Tiểu thư, giờ Ngọ hôm nay, canh thiếp đặt dưới bài vị tổ tông thần án, đột nhiên, đột nhiên...”.

“Ðột nhiên làm sao?”.

Hoài Cẩn thay nàng ta nói tiếp: “Không biết từ đâu một cơn gió lọt vào, thổi đổ đài nến, đốt cháy canh thiếp đó...”. Dứt lời, lấy từ phía sau ra một vật, run run đưa ra trước mặt Khương Trầm Ngư.

Thiếp gập màu tím nhạt, đã cháy mất một góc, vừa vặn tách hình Bạch Trạch màu bạc làm hai phần, cũng đốt chữ “Anh” trong “Anh quân tử hoa” cháy thành tro.

Ác Du đứng ở một bên sụt sịt nói: “Tiểu thư, phải làm thế nào bây giờ? Canh thiếp vào nhà ba ngày, nếu có gì dị thường thì coi như không lành, không thể thành hôn...”.

Không thể thành hôn...

Không thể thành hôn...

Bốn chữ này nặng trĩu tựa núi, đè lên đầu nàng, nở to ra vô số lần, quấn lấy hai chữ đã hiện lên không biết bao lần trong đầu nàng ngày hôm nay, bồng bềnh trôi nổi...

Hết rồi...

Ðêm đó, Khương Trầm Ngư nhìn ánh đèn trong thư phòng phụ thân sáng trưng, đám ám vệ ra ra vào vào, bóng phụ thân và ca ca in trên cửa sổ, lo lắng bồn chồn bước qua bước lại.

Vừa hay Khương phu nhân dẫn nha hoàn đi qua, nàng vội vàng gọi: “Mẹ”.

Khương phu nhân quay lại, nhìn thấy nàng, dịu giọng nói: “Trầm Ngư, sao vẫn chưa ngủ?”.

“Con không ngủ được”.

Khương phu nhân dỗ dành: “Chuyện canh thiếp ta đã lệnh cho toàn bộ gia nhân không được tiết lộ ra ngoài, còn tìm thợ khéo về sửa nó như mới, con yên tâm, đảm bảo sẽ không nhìn ra dấu vết bị cháy. Con đừng nghĩ nhiều quá, mau ngủ đi”.

Khương Trầm Ngư nhìn đồ ăn đêm nha hoàn bưng trong tay nói: “Có phải mẹ đến thư phòng của cha và ca ca không?”.

Khương phu nhân than: “Họ đang đợi tin tức trong cung đó, đêm nay e rằng không được ngủ, ta làm canh ngọc đới và bánh thủy tinh, phòng ban đêm họ đói bụng”.

“Ðể con đi cho”. Khương Trầm Ngư vừa nói tay vừa cầm lấy chiếc khay trong tay nha hoàn. Khương phu nhân nhìn dáng vẻ của nàng, biết nàng có điều muốn nói với họ, bèn gật đầu, nói: “Cũng được, vậy để con đem tới đó”.

Khương Trầm Ngư bưng đồ ăn đêm gõ cửa thư phòng, sau đó bước vào trong. Khương Trọng và Khương Hiếu Thành đang ngồi đánh cờ cạnh thư án, ngẩng đầu lên nhìn thấy người bước vào là nàng cũng không cảm thấy bất ngờ. Khương Hiếu Thành nói: “Muội muội tới rất đúng lúc, nghe nói hôm nay lúc Hy Hòa phu nhân thổ huyết muội cũng đang ở đó, mau nói xem rốt cuộc chuyện là thế nào?”.

Khương Trầm Ngư kể lại một lượt từ đầu đến cuối, thật tỉ mỉ cặn kẽ, nhìn thần sắc phụ thân và ca ca càng lúc càng chăm chú, nghiêm trọng, không kìm được hỏi: “Cha, có thể tra ra là ai hạ độc Hy Hòa phu nhân không?”.

Khương Trọng cười một tiếng khổ não: “Trọng điểm căn bản không nằm ở ai hạ độc, mà là hoàng thượng hy vọng là ai hạ độc?”.

Khương Trầm Ngư nghi hoặc không hiểu: “Ý của cha là?”.

“Muội vẫn không hiểu sao, Trầm Ngư?”. Khương Hiếu Thành đứng bên nói, “Tin mới từ trong cung truyền ra nói hoàng thượng đã giam hoàng hậu vào ngục rồi”.

Khương Trầm Ngư kinh ngạc: “Hoàng hậu? Là hoàng hậu hạ độc? Không thể nào! Không thể nào là hoàng hậu được…”.

“Xem kìa, đến muội còn không tin, trong cung lấy ai tin chứ?”

“Cha, chuyện này rốt cuộc là thế nào?”.

Khương Trọng nhìn ván cờ phức tạp trên bàn cờ, vẻ mặt càng trở nên bi thương hơn, lẩm bẩm: “Rốt cuộc là chậm mất một bước… Ôi không, là từ đầu đến cuối, căn bản đã bị ngăn cách với bên ngoài…”.

Khương Trầm Ngư quay đầu nhìn huynh trưởng cầu giúp, ánh mắt Khương Hiếu Thành cũng ngừng lại trên cục diện ván cờ, thấp giọng nói: “Cha, việc đã đến nước này, chúng ta nên làm gì?”.

“Còn có thể làm gì? Hoàn toàn không có chỗ cho chúng ta nhúng tay”.

“Vậy cứ trơ mắt nhìn như thế sao?”.

“Ðúng”. Khương Trọng ngước mắt nhìn tiểu nữ của mình, dưới ánh đèn, dung nhan của Khương Trầm Ngư càng nhìn càng diễm lệ, đó là một kiểu dung mạo xinh đẹp tựa như ánh mặt trời mùa xuân rạng rỡ, thuần khiết không tì vết, chẳng vương chút tang thương, bốn chữ “đại gia khuê tú” được thể hiện trọn vẹn trên mình nàng … Chỉ tiếc là, nghi dung như thế, chất ngọc như thế, lại chẳng có chỗ dùng…

“Trầm Ngư, con về ngủ đi”.

“Cha không nói rõ, con gái không đi”.

“Có một số chuyện, con biết càng ít càng tốt”.

Khương Trầm Ngư đứng ngẩn ra hồi lâu, lại nói bằng một giọng hoang mang lạ thường; “Cha thực sự cho rằng, sự tình đến nước này, con còn có thể đứng ngoài hay sao?”.

Khương Trọng và Khương Hiếu Thành chấn động toàn thân, hai cha con nhìn nhau, cuối cùng vẫn là Khương Hiếu Thành lên tiếng: “Muội muội, muội có biết vì sao chúng ta tích cực vun vén cho hôn sự giữa muội và Kỳ Úc hầu không?”.

Tại sao? Câu hỏi này thực sự quá hay.

Với nàng, vì nàng ái mộ công tử; với mẫu thân, vì mẫu thân cảm thấy Cơ Anh là một người có thể gửi gắm trọn đời; nhưng với phụ thân và ca ca, tuyệt đối không phải ngắm trúng “con người” chàng, mà là quyền thế địa vị của chàng mà thôi.

Từ đó có thể thấy, đàn ông và đàn bà, khi suy nghĩ cùng một sự việc, vốn đã tồn tại sự khác biệt như trời với đất. Nhưng câu này làm sao nàng có thể nói ra miệng?

Thế nên Khương Trầm Ngư chỉ có thể im lặng.

Trong khi nàng im lặng, Khương Trọng thở dài một hơi, thong thả nói: “Tất cả đều biết, Ðồ Bích vốn có bốn đại thế gia: Vương, Cơ, Tiết, Khương. Năm xưa, trong cuộc tranh đoạt ngôi vị giữa các hoàng tử, Vương thị phò tá thái tử Thuyên, Tiết thị phò tá đương kim hoàng thượng, còn Cơ gia, năm đó lão hầu gia Cơ Tịch bệnh nặng gần chết, căn bản không có sức mà quản, nhưng hoàng thượng lại mê đắm tài năng của Cơ Hốt, nhất quyết lấy nàng làm vợ. Nghe nói Cơ Hốt ban đầu cũng không đồng ý, sau không hiểu vì sao thay đổi tâm ý, liền gả cho hoàng thượng. Cứ thế đến nay, hoàng đế có Tiết gia chống lưng, lại có Cơ gia tương trợ, cuối cùng đã giành được hoàng vị. Còn Khương gia chúng ta, từ trước tới giờ luôn giữ thái độ trung lập”.

Những lời này tựa như một bàn tay, lật quá khứ lên đồng thời cũng từ từ xóa sạch cục diện hỗn độn trước mắt, Khương Trầm Ngư nhìn thấy có những thứ bắt đầu nổi lên khỏi mặt nước, mỗi một đường vân đều vô cùng rõ ràng.

“Cũng tức là việc hoàng thượng đăng cơ, Khương gia chúng ta có thể gọi là không hề bỏ chút sức lực nào, vì thế, cho dù hoàng thượng sau này tiếp tục nhậm mệnh vi phụ làm hữu tướng, nhưng trong lòng vi phụ, trước sau đều thấp thỏm chẳng yên. Cũng vì duyên cớ này, ba năm trước, vi phụ gấp rút đem Họa Nguyệt tiến cung, một là để biểu thị lòng trung của bề tôi, hai là cũng hy vọng Họa Nguyệt được thánh thượng ân sủng, che chở cho cả nhà”.

Tỉ tỉ… đã bị tiến cung như thế ư… vậy mà nàng cứ luôn tưởng rằng, tỉ tỉ ham hư vinh, hiếu thắng, tự mình muốn tiến cung, vì tỉ tỉ đã từng nói: “Phải làm, sẽ làm người trên muôn người; phải gả, sẽ gả làm vợ của đế vương, như thế mới không sống uổng kiếp này!”.

Bàn tay Khương Trầm Ngư chầm chậm nắm chặt trong tay áo, bỗng cảm thấy mình trước đây sao mà ấu trĩ, nực cười biết bao, cho rằng không nghe không nhìn những chyện dối trá lọc lừa là được, cho rằng chỉ cần tự mình trước sau trong sạch là được, lại chưa từng nghĩ, cái gì khiến nàng có thể tiêu dao tự tại như vậy. Ðó đều là sự hy sinh của người thân! Sự hy sinh của phụ thân, sự hy sinh của ca ca, sự hy sinh của tỉ tỉ…

“Có điều, Họa Nguyệt tuy được ân sủng nhưng phong hậu lại là điều vô vọng, lại thêm sau khi Hy Hòa xuất hiện, đến một chút ân sủng đó cũng dần dần biến mất. Nghe nói, hoàng thượng đã nửa năm rồi chưa đến Gia Ninh cung”. Khương Trọng nói đến đây lại thở dài, “Nửa năm nay, mâu thuẫn giữa Hy Hòa và hoàng hậu ngày càng gay gắt, nhìn bề ngoài mỗi lần hoàng thượng đều che chở Tiết thị, nhưng ngẫm kỹ, thực ra hoàng thượng bảo vệ Hy Hòa mới đúng, rốt cuộc, hoàng hậu có cả gia tộc ủng hộ, còn người xuất thân bần hàn, chẳng có chỗ dựa như Hy Hòa lại có thể ở trong thâm cung, chẳng mảy may thương tổn, đó chẳng phải là kỳ tích sao? Với suy nghĩ đó, vi phụ bắt đầu âm thầm điều tra, cuối cùng ta đã phát hiện ra manh mối…”.

“Manh mối gì?”.

Khương Trọng thấp giọng xuống, nói từng chữ từng chữ một: “Mâu thuẫn thực sự không phải là giữa Hy Hòa và hoàng hậu, mà là giữa hoàng thượng và Tiết gia!”.

Khương Trầm Ngư tuy chưa từng trải chuyện đời, nhưng cũng là một người sáng dạ, phụ thân nói như vậy, ngay lập tức nàng đã hiểu ra, sau đó lại nhớ lại một lượt những chuyện đã xảy ra, càng nhớ lại càng kinh hãi, cuối cùng không kìm được “a” một tiếng.

“Con cũng nghĩ ra rồi chứ? Tiết thị hùng mạnh khinh chủ, chuyên quyền nắm chính, hoàng thượng đăng cơ bốn năm, nhưng việc gì cũng phải nghe ý kiến của họ, chịu sự khống chế của họ, nếu ngài là một quân vương ngu tối tầm thường thì thôi, nhưng vị chủ tử này của chúng ta xử sự cương quyết mưu lược, lại vô cùng thông minh biết nhẫn nhịn, vì thế, ta đoán rằng, ngài sớm đã có ý đồ trừ bỏ Tiết thị, chỉ là thời cơ chưa tới. Nghĩ thông điểm này rồi, vi phụ liền bắt đầu quan sát trong văn võ khắp triều, ai là người đứng về bên Tiết thị, ai đứng về bên hoàng thượng?”.

“Là công tử…”, giọng nói của Khương Trầm Ngư rất nhẹ, vẻ hoang mang trên gương mặt càng đậm dần.

“Không sai. Phải nói nhìn Tiết thị không thuận mắt nhất, một lòng hướng đến hoàng thượng nhất, đến nay cũng chỉ có Cơ gia”. Khương Trọng chăm chú nhìn con gái của mình, bùi ngùi nói, “Cho nên, vi phụ mới nghĩ phải đem con gả cho Kỳ Úc hầu, để tỏ rõ Khương gia nguyện cùng họ đồng lòng chung sức, cùng phò trợ hoàng thượng, chỉ đáng tiếc…”.

Khương Trầm Ngư nói tiếp thay ông: “Chỉ đáng tiếc chậm một bước. Hoàng thượng hẳn đã chuẩn bị ổn thỏa, bắt đầu không chờ đợi nổi muốn động thủ với Tiết gia, mà Hy Hòa trúng độc là bước đầu tiên của cả kế hoạch”.

Khương Hiếu Thành tán thành: “Muội muội quả nhiên thông minh”.

Khương Trầm Ngư tiếp tục phân tích: “Chuyện thánh chỉ rơi xuống nước, người đứng ra điều đình là công tử; nay phu nhân trúng độc, lại là công tử dẫn người đến tra ra bệnh chứng, cũng tức là công tử và hoàng thượng liên thủ diễn màn kịch bức cung, đẩy mũi giáo nhằm thẳng hoàng hậu. Vì tất cả mọi người đều biết, Hy Hòa và hoàng hậu bất hòa, lần trước chuyện thánh chỉ rơi xuống nước, Hy Hòa nắm thóp của hoàng hậu không chịu buông, làm tổn hại nghiêm trọng đến thể diện của hoàng hậu, cho dù là một người hiền lành đi chăng nữa, cũng sẽ ghim hận trong lòng. Lần này phu nhân hoài thai, người có động cơ hạ độc nhất chính là hoàng hậu!”.

Khương Hiếu Thành xen lời: “Tin tức truyền từ trong cung lúc trước nói, thái giám bên Bảo Hoa cung nhận hối lộ của Tiết gia nên mới hạ độc Hy Hòa phu nhân, hơn nữa nguồn gốc độc dược đã tra rõ, là vú nuôi bên cạnh Tiết hoàng hậu Trình thị đích thân đưa cho hắn, Trình thị đã treo cổ tự vẫn. Hoàng thượng vì thế nổi giận lôi đình, không nói câu nào hạ thánh chỉ, giam lỏng hoàng hậu”.

“Tiết Hoài thấy con gái bị phế, tất sẽ giận dữ, nhưng hiện tại hắn đang trấn thủ quan ải, không thể lập tức quay về, con trai Tiết Túc lại là một kẻ háo sắc bất tài, chắc chắn không phải là đối thủ của hoàng thượng, bị trói bị giam bị giết cũng trong mấy ngày này, có điều cứ như thế này…”. Khương Trầm Ngư bỗng kinh ngạc nói, “Há chẳng phải chủ ý của hoàng thượng không chỉ là làm suy yếu Tiết gia, mà là triệt để ép Tiết Hoài làm phản hay sao?”.

Lời vừa nói ra, cả căn phòng lặng phắc.

Khương Trọng và Khương Hiếu Thành rõ ràng không ai nghĩ đến bước này, nghe xong mặt đều biến sắc. Khương Trọng sững sờ nhìn con gái, kinh ngạc không nói nổi lên lời.

Khương Trầm Ngư, con gái út của ông, từ nhỏ đã ngoan ngoãn hiểu chuyện. Cầm kỳ thi họa món nào cũng tinh thông, nữ công gia chánh không thua kém ai, cho dù là vú nuôi, thầy dạy hay là thị tì gia bộc, không có ai là không khen nó tốt tính. Ông còn nhớ trung thu một năm nọ, khi cả nhà tụ tập ngắm trăng, ông cố ý ra đề thử ba huynh muội: “Các con ai có thể ném chiếc lông vũ này ra xa nhất, ta sẽ thưởng chiếc bánh trung thu thủy tinh này cho người đó”.

Vậy là, ba đứa trẻ dàn hàng ngang, lúc đó Hiếu Thành mười ba tuổi, Họa Nguyệt mười một tuổi, Trầm Ngư chỉ có tám tuổi.

Hiếu Thành từ nhỏ đã là một đứa trẻ ngốc nghếch đầu óc không linh hoạt, ngay lập tức liền ném chiếc lông vũ đi, kết quả chiếc lông vũ đó bay một lúc, bị gió thổi ngược lại về dưới chân Hiếu Thành.

Họa Nguyệt rõ ràng thông minh hơn rất nhiều, nhặt ít bùn lên, bọc quanh chiếc lông vũ, lại ném cục bùn đó xa đến hai trượng.

Lúc đến Trầm Ngư, nó sai người lấy chiếc lồng chim treo trên hành lang, đem lông vũ buộc vào chân con chim Bách Linh, vừa xòe tay ra, con chim kia đã vỗ cánh bay mất.

Không chỉ Hiếu Thành và Họa Nguyệt, tất cả mọi người có mặt đều há hốc miệng, không ngờ một đứa trẻ tám tuổi lại có thể nghĩ ra cách tuyệt diệu đến vậy. Nhưng nó không hề có vẻ kiêu ngạo, chỉ mỉm cười khẽ nói: “Lông vũ vốn được nhổ từ mình con chim ra, trả lại chim mới là chính đạo. Ca ca, tỉ tỉ, chiếc bánh trung thu này chúng mình cùng ăn đi”.

Sư gia trong phủ khi đó liền khen rằng: “Tam tiểu thư thông tuệ hơn người, nhưng càng hiếm có hơn là tấm lòng nhân hậu, tương lai ắt sẽ nên nghiệp lớn”. Còn khi ấy ông lại không hề xem trọng lời nói đó, bởi bình thường đứa con gái út này của ông phần lớn thời gian chỉ yên lặng, không sinh sự, không nổi bật, đến khi nó lớn rồi, thường ngày chỉ thấy dáng vẻ hiền lành, nhu thuận đáng yêu, đâu thể ngờ nó có ánh mắt sắc bén và suy luận chuẩn xác, tinh tường như thế này?

Người đang đứng dưới ánh đèn, sắc mặt bình thản lạnh lùng mà phân tích sự việc rành rẽ, hợp lý này có đúng thực là con gái của ông không?

Khương Trầm Ngư nói: “Hoàng thượng đã dám nhốt hoàng hậu thì sẽ không nương tay, cái đầu của Tiết Túc chắc chắn sẽ bị chém, mà hễ chém đầu Tiết Túc, Tiết Hoài tuyệt đối sẽ không nhẫn nhục, ông ta nắm đại quân trong tay, lại thêm tướng lĩnh dưới trướng xúi giục, rất có khả năng sẽ tạo phản. Chỉ cần ông ta làm phản, hai bên sẽ thành thế nước lửa, chiến tranh là tất yếu, xem ra, kiếp nạn này khó tránh khỏi rồi…”.

Khương Hiếu Thành nghe mà hoảng hốt sợ hãi: “Muội muội, muội đừng dọa ta”.

“Lời của Trầm Ngư tuyệt đối không phải là hù dọa”. Khương Trọng lập tức trấn tĩnh, hỏi: “Vậy theo ý của con, chúng ta nên làm thế nào?”.

“Con chỉ cảm thấy kỳ lạ…”

“Kỳ lạ chỗ nào?”.

“Hoàng thượng ép Tiết Hoài làm phản, ắt phải có kế hay để giành phần thắng. Nhưng Tiết Hoài được mệnh danh là thần tướng trăm năm mới gặp, trong tay lại nắm sáu mươi vạn quân Tiết gia, trong triều căn bản không có tướng lĩnh nào có thể địch lại…”. Nói đến đây, nàng nghĩ đến Phan Phương, nghĩ đến lời Cơ Anh nói với Phan Phương ở ngoài quán trà “Bao giờ khởi chiến, tất sẽ có chỗ dùng huynh”, trong lòng càng thêm khẳng định phán đoán của mình. Công tử sớm đã biết sẽ có đại chiến, cho nên đến tướng lĩnh cũng đã tìm xong trước, tuy nàng không rõ khả năng của Phan Phương thế nào, nhưng có thể khiến công tử hạ mình đích thân đi tìm như thế, ắt hẳn không tầm thường. Chỉ là, so với Tiết Hoài, Phan Phương vẫn còn quá non nớt, hoàng thượng chắc chắn sẽ không đặt cược vào một con cờ khó định thắng thua như thế, cũng tức là ngài chắc chắn có chiêu ngầm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.