Lá Cờ Ma

Chương 8




Thời đó, nếu không có mười mấy thỏi vàng trong tay thì người ta không thể mua được một căn phòng có điều kiện sinh hoạt tương đối tốt ở Thượng Hải. Chung Thư Đồng phải khá vất vả mới lo được tiền thuê trọ chỉ bằng tiền nhuận bút, bởi thế anh mới nghĩ đến việc tới giảng dạy tại trường đại học. Lương của một giáo sư thời đó cao ngất ngưởng.

Khi tới viếng thăm căn phòng trọ của Chung Thư Đồng lần thứ hai, bốn anh em nhà học Tôn mang theo cả thỏa thuận nhà đất. Chung Thư Đồng tuy cảm nhận được việc này có nhiều điều kì lạ, nhưng bốn anh em nhà họ Tôn thịnh tình dào dạt, mà trong khi đàm luận tới lịch sử thời Tam Quốc nhiều lúc như gãi đúng chỗ ngứa của Chung Thư Đồng và gợi mở cho anh nhiều ý tưởng. Đang thời tuổi trẻ căng tràn niềm tin, Chung Thư Đồng tin rằng dẫu có xảy ra chuyện gì cũng có thể tìm cách giải quyết. Vậy là, vào một ngày tháng ba, anh quyết định rời khỏi đường Sơn m, chuyển tới ở trong “khu ba tầng”.

Khi Chung Thư Đồng chuyển tới sống trong tòa nhà ba tầng trung tâm, Trương Khinh và Tô Miễn Tài đã hiện diện ở đó. Lúc ấy, Tô Miễn Tài vẫn chưa hoàn tục, pháp danh tu hành là Viên Thông. Quả đúng như tôi vẫn nghĩ.

Ngay từ những ngày đầu tiên chuyển tới sống trong “khu ba tầng”, Chung Thư Đồng đã phát hiện ra nhiều điểm quái dị ở chốn này: một hòa thượng cả ngày đóng cửa không bước chân ra ngoài; một Trương Khinh lúc nào cũng xuất quỷ nhập thần, thường xuyên đêm đi sáng về và cả những ngôi nhà mái bằng tuyệt nhiên không có bóng người trên các con phố xung quanh. Có lúc, anh bước đi trên mấy con phố, nhìn những ngôi nhà vắng người, bên trong trống huơ trống hoác, thì không tránh khỏi cảm giác sợ hãi như khi bước vào một nghĩa địa chết chóc. Về sau, khi những ngôi nhà này bị san phẳng, cảm giác ấy mới dịu bớt.

Tuy những con phố xung quanh không có người ở, nhưng Chung Thư Đồng thỉnh thoảng lại trông thấy một vài con người vẻ ngoài khắc khổ đi lại trong khu. Hình như họ sống trong mấy tòa nhà ba tầng khác. Những con người khắc khổ ấy chỉ làm mỗi một việc là phá hủy những ngôi nhà mái bằng không có người ở trên các con phố, tuyệt nhiên không thấy họ có ý định xây dựng công trình nào. Một ngày nọ, Chung Thư Đồng phải đi tàu tới Hàng Châu, chưa tới 5 giờ sáng anh đã xách va li ra khỏi nhà. Từ xa, anh nhác thấy những con người khổ sở đó đẩy một chiếc xe đẩy chở đầy đồ vật đi ra khỏi “khu ba tầng” từ phía đông. Trời lờ mờ tối, lại đứng ở xa quá, anh quan sát một hồi nhưng vẫn không trông rõ đồ vật trên xe đẩy là gì.

Bốn anh em nhà họ Tôn thỉnh thoảng vẫn tới phòng Chung Thư Đồng ngồi chơi, đàm đạo với anh những câu chuyện của thời Tam Quốc như cũ. Có đôi lần, Chung Thư Đồng thử hỏi dò về những chuyện xảy ra xung quanh tòa nhà, cả bốn anh em liền vờ tảng lờ không đáp. Về sau, Chung Thư Đồng cũng hiểu, đó là một điều tối kị, sống trong nhà người ta, nếu không biết phận như thế thật sự không biết sẽ xảy ra chuyện gì. Sau một hồi sợ hãi những ngôi nhà vắng bóng người xung quanh, Chung Thư Đồng vứt bỏ ý nghĩ truy tìm gốc rễ sự việc.

Nhưng bàn luận lịch sử với bốn anh em nhà họ Tôn càng nhiều và càng sâu thì Chung Thư Đồng càng ngày càng rầu rĩ. Bởi lẽ, những câu hỏi của bốn anh em về thời Tam Quốc quá nhiều mà khả năng trả lời trên thực tế của anh lại quá ít. Nếu chỉ có thế, anh cũng có lý do để biện giải cho mình: một nhà sử học dù uyên bác tới đâu cũng không thể quay ngược thời gian trở về với quá khứ, vì thế ngay cả khi chuyên tâm nghiên cứu một thời đại nào đó thì những hiểu biết về nó, đặc biệt là những hiểu biết cặn kẽ và chi tiết bao giờ cũng hữu hạn. Nhưng điều khiến Chung Thư Đồng u uất là, mỗi khi năm người bàn luận tới phần sau của câu chuyện, có lúc một người nào đó trong bốn anh em nêu ra câu hỏi mà Chung Thư Đồng không trả lời được, thì người nêu câu hỏi lập tức nói ra suy đoán hết sức hợp lý của mình. Trả lời xong anh ta lại nêu câu hỏi phản vấn lại, tất cả đều rất chặt chẽ. Những lần như thế càng nhiều thì những cuộc nói chuyện của Chung Thư Đồng với bốn anh em nhà họ Tôn càng ít đi. Chung Thư Đồng thầm cảm nhận được, bốn anh em nhà họ Tôn đã bắt đầu thất vọng với mình, lời lẽ của họ tuy vẫn lịch thiệp nhưng mất hẳn vẻ kính trọng lúc trước.

Có thể nói, sự chuyển biến này là một sự sỉ nhục lớn lao đối với một học giả trẻ tuổi đầy lòng tự trọng như Chung Thư Đồng. Nhưng Chung Thư Đồng lại không có cách nào phản bác, bởi lẽ anh thật sự không thể giải đáp những vấn đề tỉ mỉ và nhỏ nhặt đó. Sau khi khảo chứng, anh thấy rất nhiều điều mà bốn anh em nhà họ Tôn nói với anh là vô cùng chính xác.

Từ đó về sau, Chung Thư Đồng nghĩ đủ mọi phương pháp để nghiên cứu sâu hơn về lịch sử thời Tam Quốc. Những phương pháp nghiên cứu truyền thống chỉ khiến anh lâm vào ngõ cụt, để có được những điểm đột phá mới, anh buộc phải tìm tòi những phương pháp nghiên cứu mới. Có thể nói, tiếng tăm lừng lẫy của nhà sử học Chung Thư Đồng ngày nay phần nhiều do công của những cú khích của bốn anh em nhà họ Tôn đối với anh chàng trẻ tuổi năm xưa. Chỉ có điều, khi Chung Thư Đồng lấy lại sự tự tin thì bốn anh em nhà họ Tôn đã không còn nữa.

Trước khi xảy ra “Chiến dịch 813”[5], kéo dài hơn ba tháng, từ ngày 13 tháng 8 năm 1937 đến ngày 26 tháng 11 năm 1937. Đây là một trong những trận đánh lớn nhất và đẫm máu nhất trong chiến tranh Trung - Nhật, dễ có đến mươi ngày nửa tháng bốn anh em nhà họ Tôn không tới phòng Chung Thư Đồng. Vì sống cùng trong một tòa nhà nên thỉnh thoảng Chung Thư Đồng vẫn trông thấy họ. Kế hoạch mà họ ngầm thực hiện cơ hồ sắp thành công đến nơi. Vẻ mặt họ ngày càng trở nên phấn kích, ngày càng trở nên gấp gáp, vội vã.

[5] Chiến dịch 813 hay còn gọi là Hội chiến Tùng Hộ, là trận đầu tiên trong 22 trận giao chiến lớn giữa quân đội Quốc dân Đảng Trung Quốc và quân đội đế quốc Nhật Bản.

Đúng lúc ấy thì “Chiến dịch 813” bùng nổ, quân Nhật tấn công Thượng Hải và chuyện ném bom đã cận kề.

Hôm đó, khi tín hiệu cảnh báo phòng không hú lên inh ỏi, Chung Thư Đồng đang ở trong phòng, anh nghe thấy tiếng bước chân của Tôn Huy Tổ bên ngoài. Tôn Huy Tổ là người em thứ ba trong bốn anh em nhà họ Tôn.

“Quỷ tha ma bắt, sắp xong đến nơi, tại sao máy bay của quân Nhật lại tới vào lúc này?” Giọng nói của Tôn Huy Tổ vốn oang oang nên âm thanh ấy có thể xuyên qua căn phòng của Chung Thư Đồng, tới tận màng nhĩ anh trong tình cảnh gấp gáp, giữa tiếng lanh lảnh của còi báo động phòng không.

Lúc này, trong lòng Chung Thư Đồng vô cùng hoảng loạn. Con người trong lúc hoảng loạn thường mong có nhiều người ở bên cạnh, tuy không giúp được gì nhưng cũng có thể làm chỗ dựa tinh thần, bởi thế khi vừa nghe thấy tiếng của Tôn Huy Tổ, anh vội vã lao ra mở cửa.

Ngay trước lúc mở cửa, Chung Thư Đồng nghe thấy tiếng của một người khác: “Ồ, chẳng còn cách nào khác nữa đâu, hay là thử lấy lá cờ đó ra xem có đuổi được bọn Nhật không?”

Chung Thư Đồng mở cửa, trông thấy người anh cả Tôn Diệu Tổ đứng ở hành lang. Tiếng “thịch, thịch, thịch” gấp gáp trên cầu thang mỗi lúc một xa dần, Tôn Huy Tổ đã chạy xuống dưới nhà.

Trước đó Chung Thư Đồng chưa từng nhìn thấy lá cờ này. Những người dân sống xung quanh “khu ba tầng” tuy đã chuyển đi hết, nhưng không ít người sống ngoài vòng tròn phạm vi của bốn anh em nhà họ Tôn đã nhìn thấy lá cờ này. Người ta đã đồn thổi từ lâu về những điều thần bí, quái dị xung quanh lá cờ này, Chung Thư Đồng vẫn thường nghe người ta kháo chuyện về nó mỗi khi ra ngoài mua đồ hàng ngày.

Chung Thư Đồng vốn dĩ không tin, nhưng vào lúc này, trước nguy cơ bị máy bay quân Nhật ném bom, nghe thấy rõ ràng bốn anh em nhà họ Tôn nói thử dùng lá cờ đó, anh bỗng chốc nhớ lại những lời đồn thổi về sự khiếp hãi mà lá cờ đó gây ra, giờ đây, lá cờ đó gần như biến thành tia hi vọng cứu vớt sinh mạng mọi người.

“Lá cờ đó, lá cờ đó, liệu có tác dụng không?”

“Cứ thử xem thế nào!”. Nét mặt Tôn Diệu Tổ trầm xuống, xem chừng trong lòng Tôn Diệu Tổ cũng không chắc chắn lắm.

Giữa lúc hai người nói chuyện, tiếng bước chân vang lên cồm cộp trên cầu thang. Tôn Huy Tổ dẫn đầu, sải từng bước lớn lao lên trên lầu, theo sát ngay phía sau là lão Nhị Tôn Hoài Tổ, lão Tứ Tôn Niệm Tổ, sau nữa là Trương Khinh và Tiền Lục. Không thấy bóng dáng của nhà sư Viên Thông. Từ lâu, Chung Thư Đồng đã nghe nói, nhà sư Viên Thông tuy tuổi còn trẻ, nhưng bước đường tu hành Phật pháp đã đạt tới cảnh giới tối cao, trong lúc nguy nan cận kề như thế, nhà sư Viên Thông vẫn có thể tĩnh tâm ngồi trong phòng tụng kinh niệm Phật, không hề hoảng loạn như những người xung quanh.

Tôn Huy Tổ bê một chiếc hộp gỗ lớn hình chữ nhật, Tiên Lục cầm một thanh gậy tre dài theo sau.

Tôn Huy Tổ không ngừng bước chân, chạy miết lên khoảng cầu thang hẹp nối liền với sân thượng, nhảy lên vài bước, đẩy bay cánh cửa gỗ dày hình chữ nhật đóng chặt lối ra vào, lách người lên trước tiên. Những người theo sau, cũng lách người lên sân thượng.

Lúc Chung Thư Đồng đứng trên sân thượng thì phi đội máy bay đen sì của quân Nhật đã xuất hiện trên bầu trời phía xa xa.

Tôn Huy Tổ nhanh chóng mở chiếc hộp gỗ, đón lấy thanh gậy tre từ tay Tiền Lục, luồn lá cờ vào. Phía không xa, khói lửa đã cuộn bốc lên, tiếng bom nổ rền vang như tiếng sấm liên tục đập vào màng nhĩ. Bom đạn của quân xâm lược Nhật đã không ngớt trút xuống.

Tôn Huy Tổ giương cao lá cờ, vẫy qua vẫy lại.

Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất Chung Thư Đồng nhìn thấy lá cờ đó.

Trong phút chốc, nỗi hoảng loạn trong Chung Thư Đồng vụt tan biến. Máy bay của quân Nhật vẫn gào rít chói tai ngay trên đỉnh đầu, làn mưa bom vẫn ào ạt trút xuống thành phố, nhưng trong tim Chung Thư Đồng lại dạt dào một dòng máu nóng và niềm tin chiến đấu. Giả như lúc này, bộ binh của quân Nhật tấn công, có lẽ anh sẽ là người đầu tiên xông tới chiến đấu với bọn chúng, vì anh biết lá cờ đó sẽ bảo vệ anh. Đó là một cảm giác nội tâm mà anh không thể gọi tên, trong giây lát, dường như lá cờ đó đã truyền vào tim anh một sức mạnh to lớn. Chung Thư Đồng thật sự không hiểu tại sao khi nhắc đến lá cờ đó, những người dân quanh vùng lại hãi hùng đến thế.

Chung Thư Đồng ngước nhìn lên bầu trời, máy bay của quân Nhật lượn thấp đến nỗi anh có thể trông thấy hình vẽ quốc kì Nhật Bản in trên thân máy bay. Ba chiếc máy bay đằng trước sắp sửa tiến tới khoảng không gian phía trên “khu ba tầng”.

Tôn Huy Tổ vẫy lá cờ gấp gáp hơn, lá cờ mở căng đón gió, bay phần phật.

Ở độ cao này, phi công Nhật hẳn sẽ thấy rõ một người Trung Quốc lực lưỡng đứng trên nóc tòa nhà giương cao một lá cờ lớn.

Ba chiếc máy bay ném bom của quân Nhật rung lắc gần như cùng lúc, lảo đảo đâm sầm xuống dưới, tưởng chừng như sắp nổ tung, nhưng chúng lại từ từ bay lên đúng vào lúc cái khối nặng cả chục tấn ấy sắp phát nổ. Máy bay của quân Nhật cứ thế trồi lên trụt xuống, trườn khỏi khoảng không gian phía trên “khu ba tầng”.

Những chiếc máy bay phía sau lũ lượt tránh xa. Với Chung Thư Đồng, lá cờ đó mang lại niềm vui và sức mạnh, với phi công Nhật, lá cờ đó lại hệt như một con thú hung ác đang hằm hè chuẩn bị chọn con mồi chuẩn bị lao vào cắn xé.

Tôi tròn mắt, há hốc miệng nghe bác Chung Thư Đồng kể chuyện. Dù trong lòng đã có suy đoán trước nhưng khi nghe chính người trong cuộc như bác Chung Thư Đồng kể lại tỉ mỉ, tôi vẫn cảm thấy có một sức hút đáng kinh ngạc.

Bốn tòa nhà ba tầng có thể vẹn nguyên trong mưa bom bão đạn của quân xâm lược Nhật, nguyên nhân lại chỉ có một, là nhờ lá cờ ma đó.

Cảm giác nội tâm trào lên trong lòng bác Chung Thư Đồng khi nhìn lá cờ ma đó gần như đồng nhất với cảm giác của ông lão Dương Thiết khi tiến lại gần lá cờ. Hai hiện tượng này rõ ràng là có liên quan với nhau. Có lẽ, khả năng tác động đến tâm lý người nhìn của lá cờ đó liên quan đến khoảng cách, khi ở xa thì cảm thấy sợ hãi, lúc lại gần thấy như có thêm sức mạnh. Đương nhiên, đám phi công Nhật cách lá cờ không đủ gần để có được sức mạnh.

Rốt cuộc thì tại sao lá cờ đó lại có được sức mạnh như thế?

Sau hôm đó lá cờ được thu lại. Những ngày Tùng Hộ[6] kháng chiến bùng nổ, tình hình ở Thượng Hải ngày một căng thẳng, Chung Thư Đồng gần như chỉ hoạt động ở trong “khu ba tầng”, rất ít khi ra ngoài. Một đêm đầu tháng 9, vào khoảng nửa đêm, một loạt âm thanh vang lên làm Chung Thư Đồng giật mình tỉnh giấc. Khoảng thời gian này, Chung Thư Đồng thường ngủ không ngon giấc, giấc ngủ chập chờn và hay bị phá vỡ bởi tiếng súng đạn rít gào. Nhưng tràng âm thanh đêm nay không phải là tiếng súng đạn mà là tiếng bước chân chạy gấp gáp lên lầu và một tiếng “sầm” rất lớn vang lên khi người ta đóng cửa lại.

[6] Tùng Hộ: là tên gọi khác của thành phố Thượng Hải.

Ba ngày sau đó, Trương Khinh tự nhốt mình trong phòng, không gặp bất kì người nào. Chung Thư Đồng đoán, âm thanh đêm hôm đó có lẽ là do Trương Khinh gây ra. Sang ngày thứ tư, Trương Khinh ra khỏi phòng, gương mặt anh trắng bệch khiến người ta phát sợ, đôi mắt long lanh có thần giờ phủ đẫm màu đen tối, u ám.

Bốn anh em nhà họ Tôn vì hành tung bất định nên phải mấy hôm sau, Chung Thư Đồng mới phát hiện, từ nhiều ngày nay anh đã không trông thấy họ. Và từ đó về sau, Chung Thư Đồng không bao giờ nhìn thấy bốn anh em nhà họ Tôn nữa.

Chiếc gạt tàn đã đầy ắp những đầu mẩu thuốc lá và bao thuốc tôi mang theo cũng đã rỗng không.

“Đấy, bác vừa kể hết cho cháu nghe những gì bác còn nhớ rồi. Năm đó, có lẽ, bác không giúp được gì cho bốn anh em nhà họ Tôn. Bác tin, bốn anh em nhà họ Tôn mời Trương Khinh và Viên Thông tới cũng là có mục đích của họ, hai người này tham gia vào kế hoạch mà bốn anh em nhà họ Tôn bí mật thực hiện nhiều hơn bác, nếu cháu có thể làm cho hai người ấy kể lại chút chuyện của năm xưa thì hẳn sẽ biết thêm nhiều chi tiết hơn đấy.”

“À, bác ơi, còn chuyện này nữa…”, tôi do dự một chút rồi đưa ra lời mời vô tình.

“Khà khà, tùy cháu, dù sao thì bác không thể nói thêm gì nữa”, bậc đại học giả cười nói.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.